ĐỒNG HÀNH CÙNG CON VƯỢT QUA ÁP LỰC

Như vậy lại một năm học mới đã bắt đầu, các con sẽ chính thức được quay lại trường học, và thầy hy vọng, các con sẽ được tận hưởng một năm học trọn vẹn trên trường với thầy cô, bạn bè mà không phải qua màn hình của bất kỳ thiết bị công nghệ nào khác. 

Vừa là người thầy, vừa là người cha có con trong độ tuổi đến trường, thầy Ngọc Lâm chia sẻ niềm vui với các bậc phụ huynh khi nhìn các con được đến trường học trực tiếp, đồng thời thầy cũng thấu hiểu những nỗi lo còn hiện hữu. Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những sự việc đáng tiếc do áp lực học đường gây ra, khiến mỗi bậc cha mẹ nghiêm túc nhìn lại tầm quan trọng của việc chia sẻ, tâm sự để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống cùng con.

Mỗi thế hệ, mỗi lứa tuổi đều phải đối mặt với những áp lực riêng, đặc biệt những cô bé, cậu bé đến “tuổi nổi loạn” lại càng cần sự chú ý, định hướng của cha mẹ. Thầy Ngọc Lâm gợi ý cho quý phụ huynh một vài cách đồng hành cùng con vượt qua những áp lực “tuổi dậy thì” dưới đây.

Lập kế hoạch học tập cùng con

Để giảm thiểu tối đa khả năng con bị quá tải dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, các bậc phụ huynh có thể giúp con lên thời gian biểu học tập với cường độ hợp lý, phù hợp với trình độ và mục tiêu của con. 

Quý phụ huynh có thể tham khảo những bước sau đây:

  1. Nắm rõ lịch học trên trường và lịch học thêm của con
  2. Lên thời gian biểu học tập cho con phù hợp với lịch sinh hoạt của gia đình
  3. Giúp con chọn bài học, ưu tiên môn học cần đầu tư thời gian
  4. Thử thực hiện, sửa đổi, bổ sung khi cần thiết
  5. Hoàn thiện kế hoạch liên tục

Không nên so sánh, đặt áp lực thành tích cho con

Câu chuyện “con nhà người ta” từ trước đến nay không còn xa lạ với nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu bố mẹ sử dụng quá nhiều việc so sánh con cái với những bạn giỏi hơn có thể gây tác dụng ngược, không những không tạo động lực được cho con mà còn khiến con mất tự tin, chán nản.  

Bên cạnh đó, thay vì hỏi “Hôm nay con được mấy điểm?”, bố mẹ có thể hỏi con nhiều hơn “Hôm nay con học được những gì?”, “Con đi học có chuyện gì vui không?”, “Con có gặp khó khăn gì khi nghe giảng không?”. Thầy biết rằng phần lớn phụ huynh đều mong muốn con đạt được kết quả tốt, tuy nhiên quan tâm đến quá trình và chất lượng học tập thực tế cũng là phần quan trọng trên con đường đồng hành cùng con. Đặt kỳ vọng cao, tạo nhiều áp lực cạnh tranh cho con là những nguyên nhân dẫn đến phần lớn áp lực của trẻ.

Trở thành người bạn của con trước khi trở thành người thầy

Hình ảnh của bố mẹ trong mắt các bạn học sinh phần lớn là những người chỉ dạy, khuyên bảo và truyền tải, điều này đôi khi sẽ gây khó khăn để phụ huynh có thể tâm sự, trò chuyện sâu hơn với con. Việc hiểu và quan tâm đúng cách sẽ giúp con cởi mở hơn, sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ các vấn đề gặp phải. Từ đó, phụ huynh cùng tham gia tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề của con, trở thành một người bạn gần gũi của con, giúp con tự tin, chủ động và giảm áp lực học tập. 

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *