Bốn điều phụ huynh cần biết trước khi cho con du học hè

Trại hè quốc tế giúp thay đổi cách nhìn nhận về thế giới xung quanh, còn khả năng ngoại ngữ không thể tiến bộ vượt bậc chỉ sau một chuyến đi.

Anh Nguyễn Ngọc Lâm, Phó trưởng khoa Tiếng Anh chuyên ngành, Đại học Hà Nội, chia sẻ những lưu ý dành cho phụ huynh và học sinh khi tham gia trại hè quốc tế. Ngoài việc giảng dạy, anh Lâm trở thành hướng dẫn viên du lịch quốc tế từ năm 2010 và bắt đầu tổ chức trại hè từ năm 2015. Mỗi năm, anh trực tiếp dẫn khoảng 40-60 học sinh đi các nước châu Á, châu Mỹ.

Chọn đơn vị tổ chức có uy tín

Thời đại thông tin mở, phụ huynh và học sinh dễ dàng tiếp cận nền văn hóa bên ngoài. Nhiều gia đình muốn cho con bước ra thế giới để mở mang đầu óc. Nắm bắt tâm lý đó, nhiều đơn vị cung cấp chương trình trại hè quốc tế. Giữa rất nhiều luồng thông tin, phụ huynh cần lưu ý hai yếu tố chính khi lựa chọn đơn vị tổ chức, đó là uy tín công ty và người dẫn đoàn.

Thứ nhất, công ty phải là đơn vị kinh doanh có đăng ký với cơ quan nhà nước, được phép tổ chức hoạt động trại hè, tour du lịch… cho học sinh ở nước ngoài. Nếu không may xảy ra vấn đề, công ty có tính pháp lý mới có thể chịu trách nhiệm, giải quyết theo pháp luật.

Đặc thù chương trình trại hè khác với tour du lịch thông thường nên các đơn vị chuyên làm về giáo dục sẽ có ưu thế hơn. Các công ty này cũng nên đưa ra những chương trình trại hè cụ thể sản phẩm cụ thể đã thực hiện để phụ huynh tham khảo như video, hình ảnh các hoạt động thực tế…

Giảng viên Nguyễn Ngọc Lâm. Ảnh: NVCC

Giảng viên Nguyễn Ngọc Lâm.

Thứ hai, với tư cách người tổ chức, tôi đưa ra yếu tố sống còn mà thường nhiều phụ huynh ít quan tâm, đó là người dẫn đoàn. Họ không chỉ là người đi cùng mà phải am hiểu về lứa tuổi, tâm lý học sinh, có chuyên môn về giáo dục để hỗ trợ các em trong quá trình học tập.

Một người dẫn đoàn với nhiều kinh nghiệm thực tế, có chứng chỉ nghiệp vụ hoặc thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch sẽ linh hoạt trong xử lý tình huống. Ví dụ, với chương trình trại hè đi Mỹ, người dẫn đoàn nên có kiến thức thực tế về hành trình, thông thuộc về đường đi, văn hóa, phong tục tập quán của nước bản địa. Nếu người dẫn đoàn chưa đến đất nước đó, việc hỗ trợ học sinh sẽ khó khăn.

Trẻ khó giỏi tiếng Anh ngay chỉ nhờ đi trại hè

Mỗi trại hè có khung chương trình riêng và mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, nếu mục tiêu là giao lưu văn hóa thì chương trình sẽ bố trí cho học sinh ở nhà người bản xứ, tham gia nhiều hoạt động tập thể với bạn bè ở nước sở tại.

Nếu mục tiêu chính là học, khối lượng kiến thức sẽ nặng hơn. Thay vì dành ba tiếng ở trường như các chương trình khác, các em sẽ được học sáu tiếng cả sáng cả chiều, chỉ dành chút thời gian buổi tối để giao lưu với gia đình bản xứ. Nếu trại hè nhằm khuyến khích vận động, thể thao thì các hoạt động ngoài trời chiếm phần lớn. Trẻ cũng có thể không học nhiều về ngôn ngữ mà thiên về thực hành các môn khoa học như chế tạo máy, khoa học máy tính…

Phụ huynh nào cũng mong con em đi trại hè sẽ được học tiếng Anh, có sự phát triển ngôn ngữ vượt bậc sau khi trở về. Tuy nhiên, việc học ngôn ngữ phải có lộ trình dài hơi, cần tôi luyện hàng ngày chứ không thể qua một thời gian ngắn là thay đổi rõ rệt.

Cái thành công nhất khi cho các con đi trại hè là giúp các con thay đổi được tư duy, mục đích học tập, kỹ năng sống. Nhiều bạn nhận ra phải nỗ lực nhiều hơn, học tiếng Anh giỏi hơn để sang năm có cơ hội đi tiếp, giao lưu thuần thục hơn với người bản xứ. Tất nhiên, trại hè quốc tế vẫn giúp cải thiện về ngoại ngữ nhưng không nhiều bằng những yếu tố đã nêu ở trên.

Cân nhắc khi cho trẻ nhỏ tham gia

Chi phí trại hè quốc tế phụ thuộc vào điểm đến, độ dài và chất lượng dịch vụ của mỗi chương trình. Ở các nước châu Á như Malaysia, Singapore, Philippines, phụ huynh sẽ trả khoảng 20-30 triệu đồng cho khoảng một tuần, bao gồm tất cả chi phí ăn ở, đi lại, bảo hiểm, học hành…

Ở Australia, chi phí cao hơn do mức sống đắt đỏ. Trại hè 7-10 ngày có thể tốn 60-80 triệu đồng. Ở Mỹ hay Canada, do vị trí địa lý xa nên một chương trình trại hè tối thiểu thường kéo dài 2 tuần, nhiều là 3-4 tuần. Chương trình 3 tuần có mức giá khoảng 120-150 triệu đồng.

Độ tuổi tham gia trại hè cũng được phân chia dựa trên khu vực. Với trại hè châu Á, do vị trí địa lý gần, điều kiện văn hóa, sinh sống, thời tiết có sự tương đồng với Việt Nam nên học sinh từ 7 tuổi vẫn có thể tham gia. Trong khi đó, trại hè ở các nước xa như Australia, Anh, Mỹ, độ tuổi thích hợp là 10-17.

Ở độ tuổi quá nhỏ, khả năng nhận thức, lĩnh hội của trẻ còn hạn chế. Phụ huynh cần xác định con sẽ chưa học ngay được nhiều kiến thức từ trại hè quốc tế mà quan trọng hơn là mạnh dạn trong giao tiếp với mọi người, thay đổi cách nhìn về thế giới bên ngoài.

Xác định những rủi ro

Trại hè quốc tế thường tốn kém, phụ huynh cần chuẩn bị về tài chính. Chi phí các chương trình thường trọn gói, bao gồm tất cả dịch vụ, nên chỉ cần đưa con thêm chút tiền tiêu vặt trong quá trình tham gia.

Trước khi đi, bạn nên chuẩn bị tâm lý cho con rằng hành trình có thể vất vả, khó khăn hơn rất nhiều so với ở nhà, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một số bạn khi gặp chấn thương nhỏ thì lúng túng không biết làm gì, trong khi nhiều bạn được bố mẹ dạy rất kỹ phải xử lý thế nào. Trẻ sẽ học được tính tự lập khi sống ở nước ngoài trong một thời gian nhất định, có thể tự lo cho bản thân, tự lên kế hoạch cho mình thay vì có sự giúp đỡ của bố mẹ.

Thầy Lâm dẫn đoàn học sinh sang trại hè quốc tế Singapore năm 2017. Ảnh: NVCC

Thầy Lâm dẫn đoàn học sinh sang trại hè quốc tế Singapore năm 2017.

Để chuyến đi suôn sẻ, con cần có khả năng thích nghi tốt với môi trường mới. Trẻ rụt rè sẽ mất nhiều thời gian để hòa nhập với các bạn người bản địa, ngược lại những ai thích nghi tốt sẽ có nhiều trải nghiệm hơn.

Ở Việt Nam, thời lượng học ngoại ngữ chưa nhiều, thực hành chưa nhuần nhuyễn, do đó trẻ sẽ gặp nhiều cản trở khi ra nước ngoài. Vì ngôn ngữ thực tế ở nước bản địa khác xa so với lúc được học ở nhà, bố mẹ nên giúp con chuẩn bị ngoại ngữ thật tốt trước khi đi để lĩnh hội được nhiều hơn.

Phụ huynh nên luyện ý thức tập thể cho trẻ từ sớm. Khi tham gia vào một nhóm, các con phải lắng nghe quyết định của trưởng đoàn, vì mọi người chứ không còn tư tưởng cá nhân. Đôi khi mải chơi, trễ giờ quy định của đoàn, con có thể lạc đường. Do đó, con cần lưu số liên lạc của người dẫn đoàn, trường học, gia đình để nhờ người giúp đỡ khi cần.

Dù chuẩn bị kỹ lưỡng, trẻ vẫn có khả năng gặp rủi ro khi tham gia trại hè. Thời tiết khác biệt, múi giờ thay đổi, thức ăn chưa hợp khẩu vị trong những ngày đầu có thể khiến trẻ gặp vấn đề về sức khỏe.

Bố mẹ nên cùng con tìm hiểu kỹ về điểm đến trước khi lên đường, theo dõi thời tiết để chuẩn bị quần áo đầy đủ, nắm các nhóm thực phẩm đặc trưng của các quốc gia. Chẳng hạn, người Malaysia và Singapore ăn nhiều đồ cay nóng, người châu Âu ăn ít rau nhưng nhiều bơ sữa…

Khác biệt văn hóa có thể gây rắc rối cho trẻ. Chẳng hạn, những hành động bình thường khi ở nhà có thể không phù hợp với môi trường nước ngoài, khiến người bản địa không hài lòng như làm ồn, gây mất trật tự nơi công cộng, đi muộn… Nếu vứt rác bừa bãi, một số quốc gia sẽ áp dụng phạt hành chính. Do vậy, “nhập gia tùy tục” là từ khóa quan trọng trẻ cần lưu ý.

Nguyễn Ngọc Lâm

Xem bài viết gốc đăng trên báo tại link sau: 

https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bon-dieu-phu-huynh-can-biet-truoc-khi-cho-con-du-hoc-he-3752638.html

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *